Khi nhắc đến chữ “Insight”, mọi người thường có xu hướng nghĩ nó là cái gì đó ghê gớm lắm, đặc biệt với những bạn newbie trong thế giới marketing. Thực ra insight có mặt ở khắp nơi. Insight ẩn là vì chúng ta nghĩ nó cao siêu quá đó thôi. 

Khi mình hỏi các bạn mentee của mình “em thường tìm insight ở đâu cho một bài viết?”, bạn có biết kết quả như thế nào không? 

Hầu như một bạn sẽ có ít nhất là 3-4 nguồn quen thuộc để tìm kiếm insight. Và nó cũng không khác gì mấy những nơi mình tìm kiếm. Nhưng gượm đã, trước khi mình chia sẻ các nguồn này, mình muốn chia sẻ rằng thực ra chúng ta nên gọi là những nguồn tìm kiếm thông tintin hoặc những nơi mà mình sẽ đi “quan sát” điều nghiên tình hình thị trường. Sau khi ta lắp ghép các mảnh nhỏ những quan sát này lại với nhau và chúng tạo thành một vài kết luận, có dẫn chứng và lý do cụ thể, đúng sự thực, ta mới nên gọi là insight. 

Có các cách sau để thu thập thông tin: 

NGUỒN THÔNG TIN CHỦ ĐỘNG: 

  • Google hay những nguồn có thể tra cứu tìm kiếm được: Đây thường là nơi bắt đầu hành trình tìm kiếm ý tưởng của bạn. Như là câu hỏi “Học gì có việc làm?” sẽ giúp bạn hình dung một số các danh sách ngành nghề có vẻ hot hoặc được SEO tốt. 
  • Mạng xã hội bao gồm các trang Fanpage chuyên về lĩnh vực bạn muốn tìm kiếm, các nhóm cộng đồng có nội dung chủ đề hay lĩnh vực bạn muốn thu thập thông tin. 
  • Các trang báo online với nhóm thông tin bạn cần tìm kiếm
  • Hay cả việc tiếp cận trực tiếp với nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu để có cơ hội phỏng vấn trực tiếp 

Bạn thấy đó, đối với kênh chủ động, nghĩa là khi bắt đầu, bạn đã có đâu đó “một manh mối” từ các quan sát, lập luận trước đó trong quá trình nghiên cứu, làm việc, viết content rồi. Kiểu như: bạn để ý thấy phụ huynh dạo này cứ đăng kí cho con học về các ngành liên quan đến tech. Và nó khởi lên sự tò mò hoặc các giả thiết bạn có để ra một insight gì mới chẳng hạn. 

NGUỒN THÔNG TIN BỊ ĐỘNG: 

Nhưng trong công cuộc thu nhận và đào insight, đối với mình, kênh bị động là kênh hữu hiệu nhất. Bị động ở đây là mình ít khi nào có chủ đích tìm kiếm, nhưng nó là những kênh thu nhận thông tin dạng cập nhật thường xuyên mà mình theo dõi định kì. Qua một khoảng thời gian, mình sẽ dần hình thành một loại sense (cảm giác) về ngành và thị trường đầy đủ hơn. Từ đó, việc kết nối thông tin và đúc ra kết luận về các insight mới cũng hoàn toàn tự nhiên và dễ dàng hơn rất nhiều. 

Các kênh này bao gồm: 

  • Các bảng tin newsletter từ các thought leaders (nhà lãnh đạo tư tưởng): chính bởi họ là chuyên gia trong ngành, những phát ngôn của họ cũng phần nào cho ta nhìn nhận xu hướng, nhận định thị trường. 
  • Các bảng tin newsletter từ các công ty đầu ngành: nếu bạn là chuyên gia trong lĩnh vực viết sách, bạn chắc chắn nên theo dõi các Nhà Xuất Bản. Họ là nơi thu nhận các bảng thảo, xuất bản và họ là nguồn thông tin đầy đủ cho bạn biết trong ngành đó đang có gì mới, luật lệ gì mới hay xu hướng đọc mới. Điều này cũng tương tự cho các nền tảng mà bạn có nhu cầu gia nhập, như Facebook, Google hay cả TikTok. Bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng họ rất siêng ra bản tin với mục đích giáo dục người dùng trên nền tảng của mình. Các tips, xu hướng hoạt động cũng được cập nhật rất đầy đủ và hoàn toàn miễn phí. 
  • Nghe Podcast và tham gia các Webinar để cập nhật tình hình thị trường: thú thật với mọi người, đây là hai kênh mình thu lượm được nhiều insight nhất trong tất thảy các kênh còn lại. Một phần vì mình có sự tập trung khi nghe diễn giả nói, một phần vì các nội dung đưa lên thường rất nóng sốt và liên quan tới tình hình hiện tại. Nó sinh động, gây ấn tượng và dễ nhớ. 

Ngoài nguồn chủ động và bị động, tất nhiên khi đi sâu vào một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ cần có kiến thức chuyên ngành để hiểu và … tạo cơ sở để đào insight đúng nữa phải không? Và đó là vai trò của sách và các khóa học chuyên ngành. 

Một người chuyên viết về marketing không thể không biết 4P hay khái niệm hành trình khách hàng. Những kiến thức cốt lõi và nền tảng càng chắc bao nhiêu, thì việc thực hành quan sát và tìm kiếm insight để phát triển sự nghiệp, nội dung của mình sẽ càng logic, rõ ràng và … “chạm” đúng đối tượng bấy nhiêu. 

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Bạn thường sử dụng nguồn thông tin nào cho quá trình tìm kiếm insight của mình? Chia sẻ với mình nhé. 

Bài sau mình sẽ chia sẻ tiếp về những nguồn insight trong đời sống hằng ngày nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

[instagram-feed]