hay thương hiệu cá nhân

“Nhắm mắt lại đi chăng nữa thì tao vẫn nghe rõ mồn một cái cách mà mày sẽ cười, cái giọng cười đấy và cái khuôn mặt lí lắc của mày ấy”.

Đây là dòng hội thoại giữa mình và một người bạn trong lúc đang cao hứng bàn luận về chủ đề nào đấy. Mình khá bất ngờ vì mới quen bạn chưa bao lâu mà sao có thể tự tin “tưởng tượng” ra giọng cười và biểu hiện khuôn mặt rõ nét như vậy. Phải chăng đây là “đặc điểm nhận dạng” nổi bật của mình mà chính bản thân không biết? 

Một lần khác, khi mình đang cố gắng hòa mình vào một nhóm sinh viên tình nguyện quốc tế cho một hội thảo, thì bất chợt có một cô diễn giả nhìn mình và bảo “Mày biết sao hong, thực ra mày khá là hài hước. Nhưng mà mày không có biết chuyện đó…” Ủa, gặp nhau 2-3 lần trong một diễn đàn 2 ngày, cũng không tiếp xúc hoặc trò chuyện gì nhiều nhưng sao người này tự tin phán như đúng rồi với mình vậy? 

Dạo gần đây, khi mình để ý hơn đến chữ branding [thương hiệu] thì mình thấy rằng

“Tất cả những cảm giác, ấn tượng, hình dung … của người khác về bạn thật ra đều hình thành từ một hoặc nhiều yếu tố qua những sự kiện nào đó với bạn. Bên cạnh đó, cảm nhận của họ về bạn còn được diễn giải theo văn hóa, bản chất của người đấy v..v.. với cá nhân của bạn nữa. Nhưng chung quy lại, những điểm tương đồng nhất mà người khác cảm thấy hay nghĩ ngay trong đầu khi nhắc đến tên bạn, đó chính là Thương Hiệu Cá Nhân của bạn đó”. 

NGƯỜI HƯỚNG NỘI CÓ THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN KHÔNG?

Vốn là người ngại chia sẻ vì bản thân không thấy cần thiết nói quá nhiều về mình (cảm giác như đang khoe khoang ấy mà mình có phải có gì hay ho để khoe đâu). Nhưng khi mình đọc được câu này trên Medium

 “Dù muốn dù không, cái ngày bạn sinh ra đời, bạn đã có một thương hiệu cá nhân rồi. Đó là cảm nhận, ấn tượng của những người xung quanh lên bạn. Và tùy thuộc vào việc bạn hành động và đối xử, giao tiếp như thế nào; mà các ấn tượng đó sẽ được đình hình rõ ràng hơn theo cách mà bạn muốn.”

Đọc tới đây thì mình hiểu, à, vậy ruốt cuộc không nói gì thì người ta cũng nghĩ abcxyz về mình thôi. Đằng nào, cũng “bị nghĩ hay bị nói mà”. Vậy thôi, vậy chia sẻ nhiều hơn cho bà con hiểu đúng và rõ nét hơn về mình chứ tội gì. 

Đặc biệt với người viết, tất cả những “dữ liệu” để xây dựng nên chân dung của bạn, là con chữ mà bạn chọn, có chủ đích hay ngẫu nhiên. Nhưng có cái này cũng hay lắm nè, theo Austin Kleon thì

“Không có ai được sinh ra là có sẵn một phong cách hay một giọng điệu nào hết. Chúng ta không phải kiểu vừa mở mắt bước ra khỏi bụng mẹ là biết liền mình là ai. Những năm tháng đầu đời, chúng ta học bằng cách mô phỏng lại những hành động của các anh hùng, các “idol” trong mắt mình lúc đó. Ta học bằng cách sao chép lại những phiên bản đó.”

Mình đống ý, và bổ sung thêm như sau “Trong quá trình học, sao chép; tùy vào sở thích và bản chất của mỗi người, ta sẽ chọn lọc theo đuổi những anh hùng, những phong cách mà phù hợp nhất, mà mình muốn hướng đến nhất và cảm thấy thoải mái nhất. Việc bạn chọn đọc dòng sách A hay xem phim thể loại B hay đi du lịch nơi C hay ti tỉ những hoạt động khác trên đời này, đều chính là chất xúc tác hình thành nên phong cách sống của mình thôi.” 

GIỌNG ĐIỆU HAY THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN CỦA NGƯỜI VIẾT

Vậy nên, với việc xây dựng thương hiệu cá nhân hay việc viết lách; cách hữu hiệu nhất để lớn lên mỗi ngày, đó là LÀM NHIỀU HƠN. Nếu bạn thích viết mà chưa tìm ra phong cách của mình, viết nhiều hơn, đọc và hiểu con chữ của mình, cho phép bản thân sai, viết chưa hay, nhưng hãy cứ tin rằng, cứ mỗi một con chữ được tuôn ra từ ngòi bút ấy, là từng nét vẽ lên bản chân dung của bạn, là một bước bạn tiến gần hơn đến bản thân của bạn, là lúc bạn hiểu con người của bạn hơn.

woman holding a spiral notebook and pen
Photo by Karolina Grabowska on Pexels.com

Người ta hay nói “Đừng quan trọng quá đích đến mà hãy tận hưởng từng giây phút trên hành trình bạn đang đi”. Nếu thật sự viết là điều khiên bạn vui thú, vậy cứ viết đi, cứ vui với sở thích đó và dần dần bức chân dung sống động nhất của bạn sẽ hiện ra, một cách tự nhiên, một cách bất ngờ nhất mà thôi. 

Nếu bạn vẫn đang viết đó, nhưng không muốn mang tiếng “khoe khoang” hay sợ “bị dị nghị” thì sao? Thì cứ viết cho chính mình thôi, không cần phải đưa ra ánh sáng nếu chưa tự tin. Đây là cách mình đã làm trước đây, nhưng bạn biết cái gì thay đổi mình không?

“Trên đời này, không có ý tưởng hay thông tin nào là hoàn toàn mới mẻ 100%. Chúng ta đều đã đọc qua, đã biết rồi. Chỉ có điều những chia sẻ của bạn sẽ chắc chắn phù hợp và hữu ích với người này hay người kia, trong một thời điểm nào đó thôi. Nên việc bạn chia sẻ lại sẽ giúp ích cho những người đâu đó có cùng hoàn cảnh hay mối quan tâm như bạn. Ví dụ, một ông tư vấn tài chính chuyên nghiệp có thể ra rả cách quản lý tài sản cho các CEO, v..v.. nhưng chưa chắc ông ấy nói với vợ ổng thì cô ấy nghe. Nhưng mà bà hàng xóm kế bên nói về cách quản lý chi tiêu của ông chồng bà ấy, thì cô này chắc chắn sẽ dễ bị thuyết phục hơn.” 

Đó, vậy nên đừng suy nghĩ nhiều quá, thích viết thì cứ viết. Rồi ta sẽ thấy tiếng nói, giọng điệu của ta thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

[instagram-feed]